Viêm họng hạt ở trẻ em: những điều cha mẹ cần lưu ý
Ngày cập nhật
1. Tổng quan về viêm họng hạt ở trẻ em
Viêm họng hạt ở trẻ em là viêm họng mãn tính quá phát do viêm nhiễm vùng miệng, vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc bị cảm lạnh kèm theo viêm nhiễm kéo dài,… Đây là tình trạng viêm nhiễm kéo dài và lặp đi lặp lại nhiều lần ở niêm mạc trong vùng hầu họng và amidan. Điều này dẫn đến các lympho bào ở thành họng do phải tiêu diệt các vi sinh vật có hại liên tục trong thời gian dài nên bị nở to ra tạo thành các hạt với kích thước khác nhau. Các hạt này thường bị kích thích khiến người bị có cảm giác đau ngứa rát cổ họng, khó chịu khi nuốt, dễ bị viêm nhiễm và tạo thành ổ trùng. Tuy viêm họng là vấn đề thường gặp tại các phòng khám, và nguyên nhân chủ yếu là do siêu vi hoặc liên cầu khuẩn. Những diễn tiến của viêm họng ở trẻ em thường cấp tính. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ diễn tiến tái phát nhiều lần hoặc mạn tính tạo nên tình trạng viêm họng hạt [1].
2. Nguyên nhân viêm họng hạt ở trẻ em
Bệnh viêm họng hạt có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ra tình trạng viêm họng hạt ở trẻ em như [2]:
- Do vi khuẩn, virus, nấm: Đây là nguyên nhân chính gây ra viêm họng hạt ở trẻ em. Khi xâm nhập được vào cơ thể, với hệ miễn dịch yếu, virus thuận lợi tấn công và phá hủy tế bào niêm mạc họng, gây ra tình trạng viêm nhiễm, lúc này lympho hoạt động liên tục rồi phình to gây nên viêm họng hạt.
- Viêm xoang, viêm mũi mãn tính: Dịch chảy từ các xoang xuống thành họng làm niêm mạc thành họng sau bị mất lớp nhày bao phủ nên không thực hiện được chức năng làm sạch họng. Đây là điều kiện thuận lợi để cho vi khuẩn, virus gây bệnh xâm nhập gây viêm họng hạt.
- Bệnh lý về đường hô hấp: viêm phổi, viêm phế quản,... cũng là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm họng hạt ở trẻ.
- Trào ngược dạ dày ở trẻ: Thức ăn sẽ bị đẩy lên vùng họng nên bị tắc, gây tổn thương niêm mạc họng do có acid, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
- Dị ứng hoặc các bệnh có liên quan đến dị ứng: Ví dụ viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan là bệnh gây ra bởi bất thường hệ miễn dịch trong cơ thể. Các tế bào bạch cầu tập trung tại lớp niêm mạc và lớp cơ thực quản, hầu họng gây viêm mạn tính kéo dài, và có thể gây các biến chứng nguyên trọng.
- Do trẻ thường xuyên ăn các đồ ăn quá cay hoặc quá nóng: trẻ thường xuyên ăn những loại thực phẩm này cũng là yếu tố gia tăng khả năng mắc bệnh viêm họng hạt
- Khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường: Yếu tố môi trường là nguyên nhân gián tiếp khiến trẻ mắc bệnh viêm họng hạt. Môi trường sinh hoạt, vui chơi bị ô nhiễm, có nhiều khói bụi, thuốc lá, hóa chất độc hại,... dễ khiến trẻ bị mắc bệnh.
- Vệ sinh kém, lười đánh răng
- Do thay đổi thời tiết
3. Triệu chứng, dấu hiệu nhận biết
Các triệu chứng viêm họng hạt sẽ khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên một vài dấu hiệu đặc trưng dưới đây sẽ giúp nhận biết và điều trị kịp thời, tránh trường hợp bệnh diễn biến nặng hơn [2]:
- Ngứa cổ họng: Các hạt trong họng gây kích thích niêm mạc họng, dẫn đến biểu hiện ngứa cổ họng. Một số trẻ cảm thấy rát cổ họng, khô cổ họng và thường xuyên khát nước.
- Nuốt vướng: Do các hạt cản trở quá trình nuốt nên bệnh nhân cảm thấy nuốt vướng, bên trong cổ họng có dị vật, thậm chí bị đau cổ họng khi nuốt. Do khó ăn uống, nhiều trẻ em bị sụt cân nghiêm trọng và suy nhược cơ thể.
- Xuất hiện các hạt li ti trong họng: Viêm họng hạt có triệu chứng đặc trưng nhất là bề mặt vòm họng xuất hiện những hạt li ti có kích thước khá đa dạng, có thể bằng đầu tăm hoặc hạt đậu xanh.
- Phù nề niêm mạc họng: Cổ họng bị phù nề và sưng đỏ, thậm chí có thể thấy các mạch máu nhỏ ở khu vực vòm họng.
- Một số trường hợp hạch amidan cũng bị sưng to, khám họng có mủ quanh amidan hoặc chấm xuất huyết quanh thành sau họng
- Ho khan hoặc ho có đờm: Ngứa rát khó chịu bên trong họng khiến cho trẻ bị ho khan hay ho có đờm, thường xuyên húng hắng, song song đó là tình trạng thay đổi giọng nói.
- Sốt vừa hoặc sốt cao, người ớn lạnh, trẻ nhỏ có thể gặp tình trạng sốt cao co giật, chóng mặt và mất thăng bằng,…
- Một số dấu hiệu khác: Ho ra máu, sưng hạch góc hàm, đau từ miệng lên mang tai hay hắt hơi sổ mũi,… cũng có thể xuất hiện khi bị bệnh viêm họng hạt.
4. Điều trị viêm họng hạt ở trẻ em
Không giống với bệnh viêm họng thông thường có thể tự khỏi, bệnh viêm họng hạt khó điều trị hơn. Bởi đây là một dạng của viêm họng mãn tính quá phát. Khi thấy trẻ xuất hiện các triệu chứng trên, nên cho trẻ tới các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp. Tuyệt đối không nên tự ý mua thuốc điều trị viêm họng hạt cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, một số phương pháp dân gian với những thành phần thiên nhiên, lành tính có thể mang đến hiệu quả và an toàn mà phụ huynh có thể áp dụng như:
- Sử dụng bột nghệ: Bột nghệ có tác dụng giúp tiêu sưng, giảm đau và làm lành tổn thương niêm mạc, rất an toàn khi dùng điều trị viêm họng hạt ở trẻ. Cách thực hiện rất đơn giản, lấy một thìa cà phê bột nghệ hòa cùng 50ml nước ấm, sau đó cho trẻ uống từ 2 – 3 lần/tuần.
- Sử dụng nước chanh mật ong: Cắt chanh thành từng lát mỏng, ngâm trong nước trà mật ong khoảng 20 phút rồi cho bé uống 1 lần/ngày (Không nên cho bé dưới 1 tuổi uống, có thể gây ngộ độc).
- Cam thảo: Sử dụng vài lát cam thảo hãm cùng nước ấm rồi trẻ uống nhiều lần trong ngày.
- Lá tía tô: Lá tía tô là bài thuốc pháp trị viêm họng hạt dân gian đơn giản, hiệu quả, an toàn cho trẻ. Bởi lá tía tô không chứa các loại độc tố nào gây hại cho sức khỏe. Lấy 10 lá tía tô đem rửa sạch, nghiền lấy nước cốt thêm 1 thìa đường phèn hoặc mật ong rồi khuấy đều và cho trẻ uống từ từ.
5. Các biện pháp phòng tránh viêm họng hạt ở trẻ em
Dựa vào nguyên nhân gây viêm họng hạt, phụ huynh có thể giảm nguy cơ trẻ bị viêm họng bằng cách:
- Tạo thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, sạch sẽ cho trẻ, cho trẻ đánh răng ít nhất 2 lần một ngày. Việc vệ sinh răng miệng sạch sẽ, đúng các giúp loại bỏ vi khuẩn, virus làm cho chúng không có điều kiện trú ẩn và gây bệnh.
- Thường xuyên cho trẻ nhỏ súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước muối loãng. Muối có tính sát khuẩn rất tốt nên việc súc miệng bằng nước muối giúp vệ sinh răng miệng và họng được sạch sẽ ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, chất thải, những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, khói thuốc lá và ổ dịch viêm họng nhằm tránh bệnh viêm họng hạt.
- Không nên cho trẻ nhỏ ăn các thức ăn quá cay nóng hoặc quá lạnh.
- Giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ và chân cho trẻ khi thời tiết trở lạnh.
- Khi cho trẻ ra ngoài, cần phải đeo khẩu trang cho trẻ.
- Cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho trẻ bằng cách ăn nhiều thực phẩm dinh dưỡng, rau xanh và các loại nước ép chứa vitamin giúp nâng cao miễn dịch và hỗ trợ cơ thể tiêu diệt vi khuẩn có hại.
- Cho trẻ uống nhiều nước lọc, hạn chế thức uống có gas.
Các thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, không thể thay thế chẩn đoán y khoa. Nếu bạn có những vấn đề về sức khỏe cần được tư vấn, liên hệ đội ngũ Bác sĩ của chúng tôi thông qua HOTLINE hoặc ứng dụng MEDIGO.
Trải nghiệm ngay các tiện ích trên ứng dụng chăm sóc sức khỏe từ xa MEDIGO. Tải App TẠI ĐÂY.
Đánh giá bài viết này
(7 lượt đánh giá).Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm